Cửa hàng bán đồ hiệu không hóa đơn được mất những gì

Cửa hàng bán đồ hiệu không hóa đơn được mất những gì

Cửa hàng bán đồ hiệu không hóa đơn được mất những gì khi làm như vậy, đại đa số những cửa hàng bán đồ hiệu bây giờ khi bán hàng không có hóa đơn giao khách hàng.

Trong các loại hình cạnh tranh không lành mạnh, hình thức bán hàng không xuất hóa đơn VAT của một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hiệu, hàng chính hãng, hàng xách tay như mỹ phẩm, giày dép, quần áo, túi xách, đồng hồ, mắt kính… đang được xem là vấn nạn. Khả năng gian lận thương mại và trốn thuế rất cao.

Hoạt động này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng dường như việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, kiểm soát về giá cả, thuế và quản lý thị trường đã bỏ sót. Điều đó không những gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp đang tuân thủ luật pháp kinh doanh, khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, làm mất hình ảnh uy tín của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa, các tập đoàn công ty sở hữu thương hiệu lớn sẽ e dè môi trường kinh doanh của Việt Nam mà không mạnh dạn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam….
Bán hàng không hóa đơn

Bằng hình thức lách luật khôn khéo như khai thấp giá sản phẩm ngay tại cửa khẩu hải quan, nhờ người quen xách tay hàng hóa, khai giảm số lượng… các doanh nghiệp làm ăn kiểu gian lận này đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho mỗi lô hàng. Khi bán ra cho người tiêu dùng thì cửa hàng chỉ có hóa đơn bán lẻ chứ không có hóa đơn VAT. Nếu khách hàng là người cần hoàn thuế, yêu cầu xuất hóa đơn VAT thì sẽ được cửa hàng hẹn ngày khác đến lấy và xin phụ thu thêm phần trăm trên hóa đơn; và nguồn gốc của hóa đơn còn là một nghi vấn bỏ ngỏ. Với những khách hàng không quan tâm về hóa đơn VAT mà chỉ quan tâm đến chất lượng bảo hành toàn cầu như nhau, cùng một thương hiệu như có giá bán thấp hơn cửa hàng khác thì xem như lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng vùn vụt vì không phải đóng thuế đầu vào và đầu ra cho ngân sách nhà nước.
dong-ho-rolex-cilline-vang-hong-18k-mat-den-nam-tinh-dang-cap
Vì sao các cửa hàng nhỏ, lẻ này lại có hàng hiệu giá mềm đến như vậy là câu hỏi mà nhiều người đặt ra, Tại nhiều cửa hàng thời trang cao cấp khu vực trung tâm TP.HCM, khi hỏi về hóa đơn VAT, chúng tôi nhận những câu từ chối nhã nhặn hoặc hẹn “vài ngày sau quay lại”. Tại một cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Trương Định, chúng tôi ngỏ ý mua hai đôi giày giá 5 triệu đồng và hỏi về thủ tục làm hóa đơn VAT, cô nhân viên cho biết hàng này bị lỗi nên không xuất hóa đơn, chỉ có hóa đơn bán lẻ, cô còn khẳng định nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hiệu xách tay tại TP.HCM điều không hóa đơn VAT.

Cô Nhi, một nữ doanh nhân, cho biết: “Tôi từng mua rất nhiều món hàng hiệu tại Việt Nam nhưng chưa bao giờ được xuất hóa đơn VAT. Hóa đơn đồng hồ Rolex có giá 13.000 USD mà tôi từng mua ở cửa hàng đồng hồ Rolex trên đường Đồng Khởi (Q.1) cho thấy đã được tính thuế VAT, nhưng đó chỉ là hóa đơn thông thường. Khi mua, tôi đã đề nghị xuất hóa đơn thuế GTGT để sau này có thể khấu trừ thuế thì người bán hàng cho biết không thể xuất hóa đơn được”.

Lý giải nguyên nhân, người bán cho biết, hàng chính hãng nhập vào Việt Nam phải chịu 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế GTGT nên giá rất cao và buộc phải xuất hóa đơn đầu ra vì đầu vào cũng đầy đủ hóa đơn. Còn hàng bán tại cửa hàng này không chịu thuế nên mới có giá rẻ hơn 30%, vì thế không thể xuất hóa đơn cho cô được.

Theo một cuộc khảo sát, hầu hết khách hàng cá nhân cho biết họ mua hàng để xài nên chỉ cần nhận được hàng mà không quan tâm chuyện có hóa đơn VAT hay không. Đến khi xảy ra vấn đề về nguồn gốc, chất lượng món hàng, người mua thường chọn giải pháp “dại thì chịu” chứ ít khi quay lại khiếu nại vì không có hóa đơn chứng minh.

Theo một người chuyên kinh doanh đồng hồ chính hãng, tại Việt Nam tình trạng hàng hiệu không hóa đơn đã tồn tại nhiều năm qua và các cửa hàng này vẫn tồn tại vì bán với giá rẻ hơn 30% so với hàng chính hãng. Cũng chính vì điều này, các nhà kinh doanh hàng hiệu đàng hoàng đang khốn khổ vì cạnh tranh không nổi. Vị này còn cho biết đã nhiều lần đi “do thám” đối tác, thấy khách hàng ra vào mua đồng hồ ở các nơi này kháo nhau rằng giá ở đây đã rẻ hơn hàng chính hãng nhiều mà còn được giảm thêm 10% nên họ chỉ qua bên chính hãng dọ giá thôi.

Theo bà B. Trang , một người am hiểu trong lĩnh vực hàng hiệu, đồng hồ là mặt hàng trốn thuế nhiều nhất. Bà liệt kê tên một loạt cửa hàng trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM “hiếm khi xuất hóa đơn”. “Cùng một mặt hàng cao cấp, những cửa hàng này có thể bán được giá thấp là bởi nhập vào Việt Nam với mức khai thấp hơn giá trị thực tế. Một đồng hồ có giá 30.000 – 40.000 USD, nhưng nếu người nhập gian lận, chỉ khai 1.500 USD – một mức giá vừa phải để hải quan không nghi ngờ, là có thể trốn thuế hàng trăm triệu đồng một container rồi”, bà Trang nói.

Chưa kể, mức lợi nhuận còn được nhân lên khi người buôn hàng xách tay còn được hoàn thuế ở sân bay, chẳng hạn chính sách hoàn thuế ở Pháp là 16%, ở Singapore là 7%… Như vậy, tổng mức chênh lệch của hàng xách tay hoặc hàng khai dưới giá trị thực tế có thể lên đến 36%.

“Không phải trả thuế, lại bán giá ngang bằng với hàng chính hãng tại Việt Nam, thì có giảm giá 5 – 10%, họ vẫn lãi lớn gần 30%. Một chiếc đồng hồ giá 50.000 USD là họ đã lãi 10.000 USD. Nên doanh số một tháng của một cửa hàng nhìn bé bé thế có thể lên đến vài triệu USD”, bà B. Trang cho biết.

Ông Vũ Tiến Vinh, Giám đốc công ty Luật Bảo An – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cho biết: “Theo quy định về Luật quản lý thuế thì trong trường hợp này doanh nghiệp đã có hành vi gian lận thuế và có thể là đã gây thất thoát ngân sách nhà nước và còn gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp đang tuân thủ luật pháp kinh doanh và có trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước”.

Giải pháp cho tình trạng này phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức từ chính người tiêu dùng: người tiêu dùng cần phải khó tính hơn khi quyết định đầu tư mua hàng hiệu, cần phải tạo thói quen yêu cầu đơn vị bán xuất hoá đơn VAT đúng quy định, tìm hiểu thật kỹ sản phẩm qua mạng, qua công ty được ủy quyền chính thức…, đơn vị kinh doanh đã được ủy quyền hợp pháp của thương hiệu? tránh tâm lý được mua hàng hiệu “giá rẻ” sẽ dễ rơi vào bẫy gian lận tinh vi của các cửa hàng kinh doanh hàng xách tay.

Song song với việc định hướng người tiêu dùng , các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra gắt gao về việc tuân thủ các quy định khi kinh doanh hàng nhập khẩu, thuế và quản lý thị trường quản lý chặt chẽ hơn về giá, nguồn gốc chứng từ nhập hàng, xuất xứ hàng hóa,…hóa đơn đầu ra đầu vào, kiểm tra giá bán sản phẩm cùng hiệu trên thế giới cũng như ở các nước khác trên mạng cũng như chính hãng….Như vậy sẽ góp phần rất lớn ngăn chặn việc các doanh nghiệp gian lận thuế gây thất thu cho nhà nước, tạo một môi trường kinh doanh công bằng lành mạnh tại thị trường Việt Nam, tạo uy tín đối với các tập đoàn công ty sở hữu thương hiệu lớn, nâng cao vị thế của Việt Nam trên đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Các công ty tập đoàn lớn khi đã yên tâm môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ mạnh dạn đưa nhiều thương hiệu kinh doanh chính thức nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đồng nghĩa với việc đóng góp ngân sách thuế, giải quyết công ăn việc làm cho địa phương và làm tăng trưởng kinh tế Việt Nam….

Nguồn sưu tầm

Share this post

Leave a Reply


.
.
.
.